Theo tổ chức phi chính phủ Open Doors - Những cánh cửa mở, trên thế giới, tự do tôn giáo đang bị giảm mạnh. Trong năm 2021, hơn 360 triệu Kitô hữu đã phải chịu nhiều cuộc tấn công bạo lực vì đức tin.

Các Kitô hữu Ấn Độ biểu tình chống luật
chống cải đạo của chính phủ (ANSA)
Tổ chức Open Doors là một tổ chức quốc tế
hơn 60 năm qua dấn thân hỗ trợ các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới. Trong cuộc
họp ngày 19/01 tại Roma, Tổ chức đã đưa ra các con số liên quan đến các cuộc
bách hại Kitô hữu trên toàn thế giới.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày
01/10/2020 đến 30/9/2021, có hơn 360 triệu Kitô hữu, ở 76 quốc gia đã bị “bách
hại và phân biệt đối xử mạnh mẽ”, so với 340 triệu vào năm 2020. Từ 9 năm qua,
bách hại tôn giáo ngày càng gia tăng. Năm 2021, gần 6 nghìn (5.898) Kitô hữu bị
giết, tăng 24% so với năm 2020 (4.761 trường hợp).
Ngoài ra, tổng số nhà thờ bị đóng cửa, tấn
công, phá hủy đã tăng lên, với 5.110 vụ, so với năm trước là 4.488. Tổ chức
Doors Open cũng ghi nhận sự gia tăng 44% số Kitô hữu bị giam giữ vì đức tin:
năm 2020 có 4.277 trường hợp được ghi nhận, nhưng trong năm 2021, có 6.175 trường
hợp.
Quốc gia xảy ra nhiều cuộc bách hại nhất
là Afghanistan. Bắc Triều Tiên ở vị trí thứ hai. Tiếp đến là Somalia, Libia,
Yemen, Eritrea và Nigeria. Ở Afghanistan, cuộc bách hại đã có “một chiều kích mới
với việc Taliban nắm quyền trở lại”. Hiện nay, ở quốc gia này, Kitô hữu nam giới
gần như phải đối mặt với cái chết nếu đức tin của họ bị phát hiện; phụ nữ và
thiếu nữ Kitô thì có thể tránh được cái chết nhưng bị ép buộc làm vợ như “chiến
lợi phẩm” của các chiến binh Taliban trẻ.
Do ngày càng có nhiều Kitô hữu phải chạy
trốn khói các cuộc bách hại, thế giới đang chứng kiến hiện tượng “Giáo hội tị nạn”.
Có khoảng 84 triệu người bị buộc phải di cư nội địa hoặc chạy trốn ra nước
ngoài. Tại một số vùng của châu Phi cận Sahara, cư dân Kitô hữu hầu như đã biến
mất.
Ngọc Yến
(Vatican
News 20.01.2022)